Ga Gôi – ngày trở về nghẹn ngào

Cách đây 51 năm, vụ trúng độc lớn nhất trong chiến tranh xảy ra tại ga Gôi khiến 23 người chết và hàng trăm người chịu di chứng dai dẳng. Ngày 11/7, cuộc trở về có lẽ là cuối cùng, đông đủ nhất của những đồng đội cùng đấu tranh, hứng chịu thảm họa đó.

Những đồng đội của Đại đội 895 trong buổi gặp mặt tại Ga Gôi.

Ký ức đau thương

Ga Gôi nay thuộc thị trấn Gôi (Vụ Bản, Nam Định). Trời Ga Gôi ngày các cô, các chú cựu thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 895 trở về sậm sịt như lòng người. Hạt mưa nặng phả lên những nén hương vừa thắp trong tiếng lầm nhẩm khấn vái, kèm tiếng nấc rất khẽ của những người dự lễ. Rồi mưa tạnh ngay, những cựu TNXP da mồi, đôi chân tập tễnh vãn cảnh, nhớ lại cái buổi chiều ngày 20/8/1966 khủng khiếp ấy.

Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, hàng loạt tiếng nổ lớn phát ra sau loạt bom của máy bay Mỹ nhắm vào đoàn tàu trong ga. Đại đội trưởng Đại đội TNXP 895 Lê Nguyên Nhung phát lệnh cứu tàu, cứu hàng. Hơn 100 TNXP của đại đội từ các hướng chạy đến, hối hả đưa gạo, vũ khí và hàng hoá rời tàu.

Các TNXP của Đại đội kể: Trong số hàng hoá đó có các thùng gỗ, mỗi thùng đựng 12 chai thuỷ tinh màu hổ phách được bọc trong rơm. Những chai bén lửa nổ lốp bốp, dung dịch đặc như sữa bắt lửa cháy lớn, khói vàng đặc, có mùi két.

“Một lúc sau, nhiều người nằm vật ra giữa sân ga, sùi bọt mép; mũi, tai chảy rất nhiều máu. Bộ đội phong toả toàn bộ khu vực nhưng thiệt hại đã quá lớn” – cô Đào Thị Ánh Nghiêm (72 tuổi), cựu TNXP Đại đội 895, nhớ lại.

Cô Nghiêm sau đó tức tốc cõng đồng đội Phạm Thị Nhớn trên lưng; chất độc ngấm ướt đẫm người cô Nhớn. Cô Nghiêm kể: “Cô Nhớn nói: “Tao chết mất Nghiêm ơi”. Tôi động viên nhưng được một quãng Nhớn ngửa người ra phía sau, ngất lịm. Tôi cởi áo dài của tôi thay cho Nhớn rồi đưa đi cấp cứu nhưng đến 12 giờ đêm thì không cứu nổi”.

Đêm đó, khung cảnh Ga Gôi hỗn loạn. Xe cứu thương liên tục chở TNXP, công nhân đường sắt, dân quân địa phương đến viện gần đó hoặc lên thẳng Hà Nội. Nhiều người chết tại chỗ, một số người chết trên đường cấp cứu. Có người lên xe cứu thương đưa đồng đội đi cấp cứu gục ngay trên xe vì ngấm độc.

Buổi chiều đó đã cướp đi sinh mạng của 23 người. Trong đó, Đại đội 895 mất 12 người. Hàng chục người của Đại đội thoát ra thảm hoạ ấy cùng những di chứng tai ác.

Đại diện các nhà tài trợ và lãnh đạo Báo Tiền Phong tặng quà cho các cựu TNXP Đại đội 895.

Có thể là lần cuối đông đủ

Trong kháng chiến chống Mỹ, các huyện của nhiều tỉnh thành lập nên các đại đội TNXP. Đại đội 895 là con em huyện Duyên Hà nay là huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Đại đội 895 được phân công bảo vệ tuyến đường sắt từ ga Gôi đến ga Cát Đằng (Ý Yên – Nam Định). Sau sự cố ấy, một số người còn sống xót của Đại đội về quê, chuyển ngành, nhưng phần lớn tiếp tục đi Trường Sơn rồi sang Lào tiếp tục chiến đấu. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trở về, các cô các chú đối diện với cuộc sống khó khăn và chịu đựng di chứng của buổi chiều thảm họa ấy.

Cô Nguyễn Thị Kiều, nguyên Tiểu đội trưởng của Đại đội 895 nói trong nước mắt: “Chao ôi, hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ai ngờ đâu, căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có những người còn rất trẻ”.

Có đến hơn 40 cựu TNXP của đại đội không lập gia đình, cô độc. Có người nương nhờ cửa Phật với những khối u nổi khắp các cánh tay ngứa ngáy, mùa đông u nổi, thâm tím. Những người lập gia đình, quá lứa lỡ thì làm vợ hai người ta cũng mất đi khả năng làm mẹ. Nhiều người có con thì lại bị dị tật…

Sự kiện núi Gôi hàng chục năm không được ghi chép trong lịch sử chiến tranh. Những năm 2000, một số cơ quan báo chí gặp nhân chứng, tìm tư liệu để dựng lại sự kiện đó. Năm 2012, báo Tiền Phong có bài viết “Bi Tráng Ga Gôi” của nhà báo Xuân Ba gây xúc động cho nhiều người. Sau đó, năm 2013, Đại đội 895 và cá nhân cô Nguyễn Thị Hồng Mùi (liệt sỹ của Đại đội hy sinh trong sự kiên Ga Gôi) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những người còn lại của Đại đội phần lớn đã được khám sức khoẻ, công nhận là thương, bệnh binh được hưởng chế độ. Tổng Cty Đường sắt Việt Nam dựng bia, tôn tạo khu di tích … Những việc làm đó đã phần nào nguôi ngoai những nỗi đau của quá khứ.

Ông Đinh Nhật Lệ, nguyên đại đội phó Đại đội 895 nói, hầu hết đội viên đại đội tuổi cao, sức yếu; nhiều người sau chiến tranh tản mát lên Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai sinh sống. “Về ga Gôi đông đủ như thế này có thể là lần cuối. Chúng tôi rất cảm ơn báo Tiền Phong, Tổng Cty Đường sắt và các nhà tài trợ đã giúp cho chúng tôi có cuộc hội ngộ ý nghĩa này” – ông Lệ nói. 

Cuộc gặp diễn ra với sự tài trợ của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Tại cuộc gặp, 81 cựu TNXP và thân nhân nhận được quà tặng của Tập đoàn Vingroup. Ngoài ra, ông Lê Doãn Thăng, Giám đốc Công ty Hastec và các phật tử chùa Sùng Phúc (Hà Nội) tặng quà cho các thân nhân liệt sỹ Đại đội 895.

SỸ LỰC

Theo tienphong.vn